Sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới về phân lô, bán nền

Ngày đăng

Với việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở, Thủ tướng đã quyết định đơn giản hóa, sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung dự kiến trình Chính phủ quý I/2022.

Bộ Xây dựng cho biết, mới đây Bộ đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước với nội dung liên quan tới việc phân lô bán nền hiện nay.

Theo phản ánh từ cử tri, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Đất đai quy định đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị có nhà ở trong một số trường hợp được thực hiện phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Điều này dẫn đến một số khó khăn trong điều hành, quản lý của địa phương, đó là: Đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở.

Sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới về phân lô, bán nền
Nhiều đồi chè tại Lâm Đồng bị san ủi để phân lô bán nền

Đáng lưu ý, đất nền phân lô, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội sau khi đã đầu tư hoàn thành thì để trống không sử dụng nên dẫn đến lãng phí về mặt xã hội.

Trong khi đó, sản phẩm của dự án là nhà ở thì các nhà đầu tư ít quan tâm đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật cũng không ràng buộc việc phải xây dựng nhà ở nên sản phẩm chính của dự án là nhà ở thì không có, dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở.

Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, quy định các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng số lượng căn nhà với một tỷ lệ nhất định (tối thiểu 10-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án. Đáp ứng được điều kiện này dự án mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội..

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, quy định pháp luật hiện hành cho phép các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và khu nhà ở trong một số trường hợp được áp dụng việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để xem xét việc có áp dụng quy định nêu trên hay không thì UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện, nhu cầu phát triển đô thị tại từng địa phương và sự phù hợp trong đề xuất của từng chủ đầu tư trước khi quyết định cho phép áp dụng, nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị theo quy định.

Trường hợp UBND cấp tỉnh cho phép các dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, thì UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư đã được quy định, theo Bộ Xây dựng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.

Trong đó, đối với quy định về việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đơn giản hóa theo hướng “Phân cấp toàn bộ cho UBND cấp tỉnh quyết định khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt…” và yêu cầu bổ sung quy định”… tăng cường việc kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với các địa phương thực hiện”. 

“Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, dự kiến trình Chính phủ trong quý I năm nay” – Bộ Xây dựng thông tin.

“Siết” phân lô bán nền, tạo khan hiếm giả làm giá nhà đất

Thực tế ghi nhận trong năm 2021 cho thấy, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5–7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt giá” đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Ghi nhận tại Lâm Đồng, thời gian qua, có nhiều trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, giao dịch phân lô, bán nền tương tự các dự án bất động sản. Thực trạng này gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.

Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Trong khi đó, đánh giá về hiện tượng phân lô, bán nền rầm rộ, chuyên gia bất động sản cho rằng việc gom đất ở nhỏ lẻ có sổ đỏ của nhiều người dân, sau đó làm hạ tầng rồi phân lô, bán nền hiện nay pháp luật không cấm. Thời gian qua khi thị trường quá khan hiếm nguồn cung thì nhiều nhà đầu tư đã đổ xô đi mua đất nền theo dạng này.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi dự án chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở mà các doanh nghiệp phát triển dự án đã huy động vốn trước là sai luật. Việc mua bán nhà ở, đất ở hình thành trong tương lai khi chưa đầy đủ hạ tầng, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án là vi phạm. Người mua bất động sản hình thành trong tương lai phải xem tính pháp lý dự án, bất động sản hình thành trong tương lai chỉ được giao dịch khi cơ quan quản lý các địa phương là sở xây dựng địa phương ra văn bản chứng nhận đủ điều kiện bán hàng.

Nguồn: theo Thuận Phong báo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/sap-trinh-chinh-phu-sua-doi-nghi-dinh-moi-ve-phan-lo-ban-nen-820087.html