(Xây dựng) – Với xu thế ngày càng phát triển, thị trường bất động sản cần một hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, phần mềm và hạ tầng công nghệ được xây dựng, quản lý đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương.
Nghị định số 44/2022/NĐ-CP sẽ tác động tích cực về kinh tế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các hoạt động về quản lý, sử dụng, giao dịch bất động sản. |
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác quản lý thị trường bất động sản, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chính là một trong những giải pháp hết sức quan trọng.
Thị trường cần một “liều thuốc” pháp lý mạnh hơn
Thời gian qua, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung cho thị trường bất động sản đã dần được hình thành. Nhiều số liệu chuyên ngành về nhà ở, thị trường bất động sản đã từng bước được cập nhật. Dựa trên hệ thống dữ liệu này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiếp cận thông tin để phục vụ việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, với sự phát triển và biến động của thị trường, dần xuất hiện một số vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Và Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ (Nghị định số 44/2022/NĐ-CP) ban hành kịp thời đáp ứng được điều đó.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Nghị định cũ trước đây có tới 9 chủ thể phải thực hiện tổng hợp, báo cáo thông tin, số liệu về Sở Xây dựng các địa phương với tần suất báo cáo theo tháng, quý, 6 tháng và hàng năm. Với lượng thông tin cần thu thập, tổng hợp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và các cấp báo cáo khác nhau dẫn đến việc tổng hợp số liệu gặp nhiều khó khăn và thường không đúng tiến độ quy định.
Số liệu thống kê cho thấy, trên cả nước có khoảng 20 nghìn doanh nghiệp là chủ thể sàn giao dịch và kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Theo quy định cũ thì có tới 36 biểu mẫu báo cáo/năm/01 đơn vị và 384 cột số liệu/năm/01 đơn vị báo cáo. Chưa tính đến trong năm có hàng nghìn giao dịch/01 đơn vị báo cáo/năm, việc tổng hợp, lựa chọn, phân loại tiêu chí báo cáo tiêu tốn nhiều nhân lực, vật lực, phát sinh tăng chi phí không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Trước khó khăn, vướng mắc này, Nghị định số 44/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh giảm tiêu chí thông tin cần thu thập, giảm tần suất và đầu mối báo cáo dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cũng được Nghị định số 44/2022/NĐ-CP điều chỉnh theo hướng chỉ yêu cầu kê khai, báo cáo các thông tin cần thiết và đảm bảo tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của các ngành trong thực tế. Đây có thể coi là pháp lý quan trọng hướng đến sử dụng tối đa việc chia sẻ, tích hợp thông tin từ hệ thống thông tin của các ngành liên quan để phục vụ việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng kinh phí để thực hiện việc điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương được trích từ nguồn ngân sách chi thường xuyên (quy định tại Điều 15, khoản 6 Điều 22 Nghị định số 117/2015/NĐ-CP). Trên thực tế, nguồn ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp, đồng thời phải phân bổ cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên việc bố trí kinh phí để thực hiện điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản còn rất hạn chế.
Mặt khác, theo Nghị định cũ thì còn thiếu một số nội dung hướng dẫn cụ thể về việc lập dự toán kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, sử dụng thông tin. Hầu hết, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc lập dự toán kinh phí để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí nguồn ngân sách hàng năm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Nghị định số 44/2022/NĐ-CP khi có hiệu lực (từ ngày 15/8/2022 tới – PV) sẽ điều chỉnh quy định về việc cơ quan quản lý được phép trích một phần kinh phí thu được từ việc khai thác thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản để phục vụ vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin.
Đồng thời, Nghị định mới cũng đã bổ sung hướng dẫn các địa phương trong việc lập dự toán kinh phí để thực hiện các công việc: Điều tra, thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tác động tích cực đến thị trường
Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thảo luận và thống nhất rất cao ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” hướng tới bảo đảm hài hòa lợi ích, giảm thiểu tiêu cực về đất đai.
Ngày 29/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản (có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 tới) là một trong những chính sách quan trọng giúp thị trường bất động sản ngày càng minh bạch, lành mạnh thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về đất đai.
Các chuyên gia nhận định rằng, Nghị định số 44/2022/NĐ-CP khi có hiệu lực sẽ tác động tích cực về kinh tế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các hoạt động về quản lý, sử dụng, giao dịch nhà ở và hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản. Đồng thời, khắc phục được các vướng mắc, bất cập và hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, Nghị định số 44/2022/NĐ-CP có tác động tích cực đến các tổ chức, cá nhân ngay từ định hướng rút gọn về lượng thông tin, tần suất báo cáo tạo điều kiện thuận lợi, giảm tải cho các tổ chức là đối tượng trực tiếp phải kê khai, báo cáo vào hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Vì vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nguồn lực thực hiện của doanh nghiệp, chủ đầu tư kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, khi hệ thống thông tin được hoàn chỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sẽ có kênh cơ sở dữ liệu chính thống về nhà ở và thị trường bất động sản để nghiên cứu, đánh giá thị trường, lập kế hoạch và thực hiện góp phần tăng hiệu quả sản xuất, đầu tư, kinh doanh của mình. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có đủ cơ sở dữ liệu để dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch để quản lý, điều hành có hiệu lực, hiệu quả.
Nghị định số 44/2022/NĐ-CP là một trong những chính sách quan trọng giúp thị trường bất động sản ngày càng minh bạch, lành mạnh. |
Nghị định mới cũng giúp tăng hiệu quả quản lý và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, tiết kiệm các chi phí từ ngân sách Nhà nước. Việc cung cấp, khai thác thông tin có thể tạo được nguồn thu, giúp làm giảm gánh nặng về ngân sách cho việc xây dựng, quản lý, duy trì vận hành hệ thống này.
Nghị định số 44/2022/NĐ-CP là pháp lý quan trọng giúp hoàn thiện pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: Theo Hà Khánh – Ánh Dương baoxaydung.com.vn